Những sai lầm thường gặp về bệnh đái tháo đường

Cập nhật: 2017-12-07 14:12:00
Lượt xem: 127

Tương tự với mọi căn bệnh khác, bạn sẽ nghe rất nhiều lời đồn, truyền miệng về bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Tuy nhiên, những lời đồn này thường không chính xác, hay thậm chí có thể gây hại đến sức khỏe. Khi bị đái tháo đường, bạn nên đến khám bác sĩ để nhận tư vấn và lời khuyên chính xác nhất.

 Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) không quá nguy hiểm.

Không đúng. Bệnh đái tháo đường dẫn đến 3.7 triệu ca tử vong mỗi năm, tức nhiều hơn cả bệnh ung thư vú và AIDS cộng lại. Biến chứng của bệnh làm tổn thương hàng loạt cơ quan quan trọng trong cơ thể như hệ tim mạch, hệ thần kinh, thận, mắt…Tuy nhiên nếu được chẩn đoán kịp thời, người bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, lạc quan nhờ tuân thủ lối sống lành mạnh.

 Người béo phì, thích ăn ngọt chắc chắn sẽ bị đái tháo đường (tiểu đường).

Không đúng. Béo phì và chế độ dinh dưỡng quá nhiều đường là hai yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường. Thế nhưng, người bệnh còn phải đối mặt với nhiều yếu tố khác như tiền sử bệnh trong gia đình, tăng huyết áp, độ tuổi…Trên thực tế, không phải ai béo phì cũng bị đái tháo đường, và rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường có cân nặng hoàn toàn bình thường.

 Tôi sẽ biết khi nào tôi bị đái tháo đường (tiểu đường).

Không đúng. Bệnh đái tháo đường, nhất là đái tháo đường typ 2, thường không biểu hiện triệu chứng nào quá rõ ràng, cho đến khi đã biến chứng nghiêm trọng. Chủ quan đợi đến lúc có triệu chứng mới chữa bệnh là bạn đang đánh cược với mạng sống của chính mình. Hãy đến bác sĩ kiểm tra glucose máu và khám sức khỏe theo định kỳ để bảo vệ bản thân.

 Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh truyền nhiễm.

Không đúng. Bệnh đái tháo đường tiềm ẩn nguy cơ di truyền chứ không phải là bệnh truyền nhiễm. Nếu gia đình bạn có người thân bị đái tháo đường thì tỷ lệ bạn mắc bệnh cũng sẽ cao hơn. Ngoài ra, đái tháo đường không lây nhiễm theo bất kỳ đường nào

 Chữa trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường) rất tốn kém, phức tạp và đau đớn.

Không đúng. Phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường tập trung vào chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, thư giãn tinh thần. Đây là những việc rất đơn giản, tiết kiệm và không gây đau đớn. Trong vài trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn dùng thêm thuốc hỗ trợ điều trị.

Nếu bị đái tháo đường (tiểu đường), bạn nên ăn món này, không nên ăn món kia.

Không đúng. Về lý thuyết, người bệnh đái tháo đường chỉ cần ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng để kiểm soát cân nặng. Bạn không nhất thiết phải tuân thủ bất kỳ chế độ ăn cố định nào. Bên cạnh đó, mỗi người đều có đặc điểm sức khỏe khác nhau. Các món ăn tốt cho người này không có nghĩa là sẽ tốt cho người khác. Bạn không nên nghe theo, hoặc tự ý khuyên người thân ăn uống mà chưa có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Nguồn: Sưu tầm

Các bài viết khác