Bệnh tim mạch và chế độ dinh dưỡng
Bệnh tim mạch bao gồm các bệnh có liên quan đến các mạch máu (tĩnh mạch, động mạch và mao mạch) hoặc tim, hoặc cả hai bệnh có ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch.
Cụ thể gồm có:
- Bệnh tim: Đau thắt ngực, loạn nhịp tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh động mạch vành (CAD), bệnh cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, phì đại cơ tim...
- Bệnh mạch máu: Xơ vữa động mạch, bệnh động mạch thận, bệnh Raynaud, bệnh Buerger, bệnh tĩnh mạch ngoại vi, rung tâm nhĩ, Bloodclotting rối loạn...
Nguyên nhân gây bệnh
- Do Cholesterol
Cholesterol là chất được tạo thành từ thực phẩm tiêu dùng hàng ngày hay do cơ thể sản xuất. Khi lượng Cholesterol trong máu lên quá cao chúng sẽ bám vào thành động mạch, kể cả động mạch vành, làm thành mạch hẹp lại, gây cản trở lưu thông máu và làm giảm lưu lượng máu đến nuôi các cơ quan và tổ chức trong cơ thể, dẫn đến thiếu máu cơ tim cũng như thiếu máu nuôi dưỡng các cơ quan tổ chức khác.
Để duy trì mức độ Cholesterol ở mức trung bình, cần đặt ra một chế độ dinh dưỡng hợp lý, sử dụng thức ăn chứa ít chất béo bão hòa và Cholesterol, nên dùng thức ăn có nhiều chất xơ, duy trì cân nặng cơ thể bình thường và kết hợp tập thể dục. Định kỳ xét nghiệm Cholesterol trong máu để có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Cao huyết áp
Khi bị bệnh cao huyết áp tim phải gắng sức nhiều hơn để đưa máu nuôi cơ thể, đặc biệt với trường hợp khi động mạch vành tắc nghẽn, không cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng.
Cần thiết duy trì huyết áp ở mức trung bình với nếp sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, ăn ít muối, không hút thuốc lá, vận động cơ thể, tránh béo phì, nên kiểm tra huyết áp định kỳ.
- Bệnh tiểu đường
Đường huyết cao làm các mạch máu cứng, thoái hóa. Có tới 3/4 số người bị bệnh tiểu đường tử vong do bệnh tim mạch, phòng tránh bệnh tiểu đường bằng cách duy trì sức nặng cơ thể trung bình với chế độ dinh dưỡng cân bằng và vận động cơ thể.
- Hút thuốc lá
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm mắc các bệnh về tim.
- Bia, rượu
Bia, rượu khi sử dụng nên uống với lượng vừa, nếu uống quá nhiều bia, rượu sẽ dẫn tới cao huyết áp gây bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, suy tim do tăng lượng chất béo triglyceride, giảm chất béo tốt HDL và xơ vữa động mạch.
- Béo phì
Béo phì buộc cho tim phải làm việc nhiều hơn để nuôi khối cơ thể to lớn, lâu ngày gây suy tim. Cân nặng được tính theo Chỉ số sức nặng cơ thể BMI (Body Mass Index), chỉ số càng cao khối lượng chất béo trong cơ thể càng nhiều, khi đó cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp vận động cơ thể giúp BMI ở mức bình thường.
- Lười vận động
Cơ thể ít vận động làm tăng nguy cơ cao huyết áp, béo phì và tiểu đường. Do đó cần vận động tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
- Stress
Tình trạng căng thẳng kéo dài làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đặc biệt với bệnh tim mạch. Khi cơ thể bị stress, tuyến thượng thận sẽ sản xuất nhiều adrenalin để giúp cân bằng cơ thể, nhưng nếu stress kéo dài sẽ làm cơ thể khó đáp ứng, lâu dần gây suy tim, do vậy cần giảm stress.
Ngoài ra có một số nguyên nhân gây bệnh tim mạch như: yếu tố di truyền, tuổi tác, giới tính...
Biện pháp phòng ngừa và khắc phục
Để phòng ngừa bệnh tim mạch cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường dùng rau, củ, quả, tránh xa thức ăn nhanh và kết hợp với vận động.
- Ăn uống đa dạng
Bao gồm thức ăn có nguồn gốc từ động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và thực vật (rau củ, hoa quả, gạo, mỳ, các loại đậu).
- Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng
Nên ăn định kỳ 3 bữa/ngày (người già 4-5 bữa/ngày), ăn đúng giờ quy định để tạo cho cơ thể hình thành phản xạ khiến sự tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh và dễ dàng.
- Ăn vừa đủ no
Để tránh bị thừa cân và phòng ngừa bệnh tật, mỗi người nên ăn vừa đủ no, không ăn nhiều, ăn cố.
- Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo
Với chế độ ăn dành cho bệnh nhân suy mạch vành và bệnh nhân mắc bệnh động mạch chi dưới: người bệnh không nên uống sữa chưa tách bơ, ăn sô cô la, uống ca cao và các loại cá béo (cá hồi, cá trích, cá thu, cá ngừ), không dùng mỡ động vật, thịt lợn, thịt cừu, thịt vịt, thịt gà tây, thịt ngỗng.
Nên dùng các loại dầu có nhiều axít béo không no như dầu ngô, dầu hướng dương hoặc dầu ô liu khi chế biến thức ăn.
Đồng thời với việc áp dụng chế độ ăn, người bệnh cần dùng các thuốc hạ lipides máu theo hướng dẫn của thầy thuốc. Hạn chế sử dụng các loại thịt, cá xuống còn 150-200 gam/ngày, sử dụng thịt thăn, thịt bắp không dính mỡ, cần loại bỏ tất cả những phần mỡ nhìn thấy trước khi chế biến và lượng mỡ được tạo ra trong quá trình đun nấu, không ăn nước xào, nước ninh xương ống, xương cục; không ăn da, đầu, cổ, cánh, chân của các loại gia cầm; hạn chế ăn phủ tạng động vật.
Nên dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn, nhưng cũng phải hạn chế, không ăn quá 2-3 quả trứng trong một tuần và phải cách ngày.
- Hạn chế đồ ngọt
Đường là chất cung cấp một lượng lớn gluxit và calo, không có vitamin và khoáng nên được gọi là chất chứa "calo rỗng". Người thường xuyên ăn nhiều đường sẽ phát triển bệnh xơ vữa động mạch, tiểu đường...
- Hạn chế ăn mặn
Thói quen ăn mặn là rất có hại, đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, suy thận, suy tim và xuất hiện các cơn đau tim.
Hạn chế ăn mặn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nếu bị bệnh suy tim, cao huyết áp, tức phải hạn chế muối, tất nhiên ngoài việc hạn chế sử dụng muối khi chế biến thức ăn còn phải loại bỏ tất cả thức ăn có nhiều muối natri ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày.
- Bổ sung chất xơ, vitamin và chất khoáng
Chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp. Các loại rau củ và trái cây chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe là các flavonoid, các chất này hoạt động như các chất chống ôxi hóa và có thể giảm nguy cơ viêm nhiễm, ngăn ngừa bệnh tim mạch.
- Hạn chế uống rượu, bia
Y học đã chứng minh việc nghiện rượu, bia có ảnh hưởng rất xấu đối với sức khỏe nói chung và bệnh tim mạch nói riêng. Trường hợp uống ít trong giới hạn cho phép mỗi ngày không ảnh hưởng xấu đối với bệnh tim mạch.
Với hệ tim mạch, rượu gây tổn thương cơ tim, tăng kích thước tim, giảm khả năng đẩy máu của tim, đồng thời rượu làm giãn các mạch máu ngoại vi, máu dồn ra ngoài da nhiều hơn
- Uống nước theo nhu cầu của cơ thể
Cần uống nước với lượng vừa phải mà cơ thể chấp nhận được, nhất là với bệnh tim hay bệnh thận. Đối với một người khỏe mạnh, khi uống nhiều nước, tim và thận phải tăng hoạt động để thải bớt nước ra ngoài để giữ sự cân bằng trong cơ thể. Ngược lại, ở người đã có bệnh tim hay bệnh thận, hai cơ quan này không còn hoạt động tốt nên nước sẽ bị giữ lại trong cơ thể gây ra triệu chứng khó thở, phù, thậm chí còn gây ra tình trạng "ngộ độc nước", biểu hiện qua triệu chứng lơ mơ, hôn mê.
Nguồn: Sưu tầm