Rối loạn chuyển hóa Lipid máu-Nguyên nhân, điều trị cơ bản

Cập nhật: 2019-04-01 15:18:47
Lượt xem: 127

       Rối loạn mỡ trong máu (người ta còn gọi cao mỡ trong máu, rối loạn chuyển hóa lipid máu) là tình trạng bệnh lý do tăng thành phần mỡ có hại hay giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể vượt quá mức giới hạn bình thường. Tìm hiểu nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu, cách phòng ngừa và điều trị rối loạn mỡ máu.

1.Rối loạn mỡ máu là gì?

       Rối loạn mỡ trong máu (người ta còn gọi cao mỡ trong máu) là tình trạng bệnh lý do tăng thành phần mỡ có hại hay giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể vượt quá mức giới hạn bình thường. Trong máu, mỡ hiện diện chủ yếu dưới 2 dạng chính là cholesterol và triglycerid. Cholesterol là thành phần cấu tạo chủ yếu của màng tế bào, sợi thần kinh và của nhiều nội tiết tố trong cơ thể. Ngoài ra, gan còn dùng cholesterol để sản xuất ra acid mật giúp tiêu hóa thức ăn.

       Mỡ hấp thu từ thức ăn qua ruột hoặc được tạo ra từ gan được vận chuyển trong máu tới các nơi sử dụng hoặc dự trữ nhờ kết hợp với một chất có tên là lipoprotein. Có nhiều loại lipoprotein: loại có tỷ trọng cao có tên là HDL, loại có tỷ trọng thấp có tên là LDL, loại có tỷ trọng rất thấp có tên là VLDL. LDL, HDL có chức năng vận chuyển cholesterol, VLDL có chức năng vận chuyển triglycerid trong máu. Cholesterol kết hợp với LDL được ký hiệu là LDL-C là dạng cholesterol gây hại cho cơ thể (mỡ xấu), chúng vận chuyển cholesterol vào trong máu thấm vào thành mạch máu và có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành mảng xơ vữa động mạch. Cholesterol kết hợp với HDL được ký hiệu là HDL-C là dạng cholesterol bảo vệ cơ thể (mỡ tốt) giúp chống lại quá trình xơ vữa động mạch bằng cách mang cholesterol dư thừa ứ đọng từ trong thành mạch máu trở về gan. Sự tăng triglycerid trong máu quá cao cũng góp phần thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch.

       Bình thường, trong cơ thể luôn có sự cân bằng giữa 2 quá trình gây hại và bảo vệ nên giúp cho các thành phần mỡ gây ra và mỡ bảo vệ trong máu được giữ ở mức giới hạn bình thường hay còn gọi là mức mong muốn. Tuy nhiên, khi các thành phần mỡ vốn có trong máu này thay đổi và vượt qua giới hạn bình thường hay mong muốn, thì gọi là rối loạn mỡ trong máu. Có những dạng mỡ như LDL-C có hại cho cơ thể nếu tăng cao nhưng cũng có dạng mỡ như HDL-C nếu giảm xuống thấp thì không tốt mà ngược lại tăng càng cao càng tốt. Vậy nên gọi là rối loạn mỡ trong máu thì chính xác hơn là dư hay cao mỡ trong máu. Rối loạn mỡ trong máu là nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm như: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ mỡ động mạch…

 

Người ta gọi là rối loạn lipid máu khi có một hoặc nhiều các rối loạn sau:

Tăng Cholesterol huyết tương

Tăng TG (Triglycerid) trong máu

Giảm HDL-C (High Density Lipoprotein Cholesterol)

Tăng LDL–C (Low Density Lipoprotein Cholesterol)

Rối loạn lipid máu kiểu hỗn hợp

 

2.Nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu

2.1.Nguyên nhân gây tăng cholesterol máu

Chế độ ăn:

  • Ăn quá nhiều mỡ động vật.
  • Ăn quá nhiều thức ăn có chứa nhiều Cholesterol (phủ tạng động vật, mỡ động vật, trứng, bơ, sữa toàn phần…).
  • Chế độ ăn dư thừa năng lượng (béo phì).

Di truyền:

  • Tăng Cholesterol gia đình (thiếu hụt thụ thể với LDL).
  • Rối loạn lipid máu kiểu hỗn hợp có tính chất gia đình.
  • Tăng Cholesterol máu do rối loạn hỗn hợp gen.

Thứ phát:

  • Hội chứng thận hư.
  • Suy giáp.
  • Đái tháo đường.
  • Bệnh lý gan tắc nghẽn.
  • Một số bệnh gây rối loạn protein máu (đa u tuỷ xương, macroglobulinemia).

2.2.Nguyên nhân gây tăng Triglycerid máu

  • Thiếu hụt gen lipase tiêu huỷ lipoprotein hoặc apolipoprotein C-II.
  • Tăng TG có tính chất gia đình.
  • Béo phì.
  • Uống quá nhiều rượu.
  • Đái tháo đường.
  • Dùng thuốc chẹn bêta giao cảm kéo dài.

2.3.Nguyên nhân gây giảm HDL-C

  • Hút thuốc lá.
  • Béo phì.
  • Lười vận động thể lực.
  • Đái tháo đường không phụ thuộc in-su-lin.
  • Tăng TG máu.
  • Dùng thuốc chẹn bêta giao cảm kéo dài.
  • Rối loạn gen chuyển hoá HDL.

3.Cách điều trị rối loạn mỡ máu

Việc điều trị tuỳ thuộc vào từng cá thể bệnh nhân trên cơ sở đánh giá tình trạng rối loạn Lipid máu và các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành (bảng).

Bảng. Các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành.

Yếu tố nguy cơ dương tính:

  • Nam > 45 tuổi.
  • Nữ > 55 tuổi.
  • Có tiền sử gia đình bị bệnh động mạch vành.
  • Hút thuốc lá nhiều.
  • Tăng huyết áp.
  • HDL-C < 0,9 mmol/l.
  • Đái tháo đường.

Yếu tố nguy cơ âm tính:

  • Tính trừ đi 1 yếu tố nguy cơ nếu có.
  • HDL-C > 60 mg/dl.

3.1.Điều trị cấp một và điều trị cấp hai

       Gọi là điều trị cấp một khi bệnh nhân có rối loạn Lipid máu nhưng chưa có tiền sử bị bệnh mạch vành, điều trị cấp hai khi bệnh nhân đã có tiền sử bệnh mạch vành:

Điều trị cấp một:

       Nhằm đạt được LDL-C máu < 4,1 mmol/l với những bệnh nhân có ít hơn 2 yếu tố nguy cơ hoặc LDL-C < 3,4 mmol/l nếu bệnh nhân có ≥ 2 yếu tố nguy cơ. Điều trị phải bắt đầu bằng điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập. Dùng thuốc khi đã điều chỉnh chế độ ăn một thời gian mà thất bại hoặc phải bắt đầu ngay khi:

       Có quá nhiều yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành và lượng LDL-C trong máu cao (> 4,1 mmol/l), hoặc khi lượng LDL-C trong máu quá cao (> 5 mmol/l).

Điều trị cấp hai:

       Khi bệnh nhân đã có biểu hiện bệnh mạch vành. Mục đích điều trị chủ yếu là phải làm giảm được LDL-C < 2,6 mmol/l (<100 mg/dl). Cần điều chỉnh chế độ ăn thật nghiêm ngặt cho mọi bệnh nhân, đồng thời cho thuốc phối hợp ngay khi LDL-C > 3,4 mmol/l.

3.2.Điều trị cụ thể

Chế độ ăn và sinh hoạt

       Dùng chế độ ăn giảm Cholesterol và calo (nếu bệnh nhân béo phì). Gồm 2 bước:

Bước 1: Thành phần chất dinh dưỡng ăn hàng ngày có lượng acid béo bão hoà < 10 %, tổng số các chất béo không quá 30 % và lượng Cholesterol phải < 300 mg/ ngày. Như vậy, cần tránh hoặc giảm các chất mỡ động vật, trứng, sữa nguyên, phủ tạng động vật, các loại pho-mat, kem… Tăng cường ăn hoa quả tươi, rau và các loại ngũ cốc với lượng tinh bột chiếm khoảng 55 – 60 % khẩu phần.

Bước 2: Được áp dụng khi thực hiện bước trên sau 6-12 tuần không kết quả. Trong bước này làm giảm tiếp lượng acid béo bão hoà xuống < 7% khẩu phần và lượng Cholesterol < 200 mg/ ngày.

Thời gian điều chỉnh chế độ ăn và một số lưu ý:

Nếu chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn theo như chỉ định đã nói trên thì thời gian cần ít nhất là 6 tháng. Cứ 6-8 tuần nên kiểm tra lại lượng Cholesterol máu. Chế độ ăn phải được duy trì lâu dài cho dù có dùng thuốc hay không dùng.

Cần lưu ý hơn khi dùng chế độ ăn này ở người già và phụ nữ có thai.

Ở bệnh nhân bị tăng TG, cần hạn chế mỡ động vật, đường và rượu.

Giảm cân nặng cho những bệnh nhân béo phì. Nên bắt đầu giảm dần dần lượng calo hàng ngày, thường hạn chế ở mức 500 calo/ngày.

Tập thể lực là rất quan trọng, nó có thể làm giảm được LDL-C và tăng HDL-C. Tập thể lực còn làm giảm cân nặng, giảm huyết áp, và giảm nguy cơ bệnh mạch vành.

Điều trị bằng thuốc

Các nhóm thuốc:

Các loại resins gắn acid mật:

Như Cholestyramine (Questran), Colestipol (Colestid)

Nicotinic acid (Niacin)

Thuốc ức chế men HMG-CoA Reductase (nhóm Statin)

Gồm Simvastatin (Zocor); Lovastatin; Pravastatin; Fluvastatin; Atorvastatin (Lipitor)…

Các dẫn xuất fibrat (acid fibric) bao gồm:

Gemfibrozil (Lopid); Fenofibrat (Lipanthyl, Tricor); Bezafibrat (Benzalip).

Điều trị thay thế bằng hormon sinh dục nữ (Estrogen):

Vấn đề kết hợp thuốc:

       Có thể dùng 2 loại thuốc ở 2 nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu khác nhau nếu thấy cần thiết. Việc kết hợp 2 loại thuốc với liều thấp sẽ thay thế cho việc dùng 1 loại với liều cao vì khó dung nạp. Trong một số trường hợp khi tăng quá cao Cholesterol máu nên kết hợp 2 loại thuốc. Sự kết hợp tốt nhất là giữa Statin và Niacin.

Theo dõi khi dùng thuốc:

       Cần kiểm tra Cholesterol và TG máu mỗi 3-4 tuần điều trị. Nếu không đáp ứng sau 2 tháng điều trị, mặc dù đã dùng liều tối ưu, thì nên thay bằng thuốc khác hoặc kết hợp thuốc thứ 2. Lưu ý, việc điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập phải luôn luôn được bảo đảm.

Một số tình huống cụ thể:

       Điều trị bệnh nhân tăng Triglycerid máu: Với bệnh nhân tăng giới hạn TG thì chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt, đặc biệt là giảm trọng lượng, chế độ ăn ít tinh bột, mỡ và không uống rượu. Trong trường hợp phải dùng thuốc thì nên lựa chọn Niacin hoặc dẫn xuất fibrat. Khi TG rất cao trong máu thì cần phải đề phòng nguy cơ viêm tuỵ cấp.

       Điều trị bệnh nhân tăng lipid máu hỗn hợp (tăng cả Cholesterol và TG). Mục đích thứ nhất là phải đưa LDL-C về giới hạn bình thường, sau đó cố gắng đưa TG về mức bình thường hoặc gần bình thường nếu có thể. Việc điều chỉnh chế độ ăn và giảm cân nặng vẫn là quan trọng hàng đầu. Khi dùng thuốc nên kết hợp Niacin hoặc một Fibrat với một Statin.

       Điều trị bệnh nhân bị giảm HDL-C: Chú ý trước tiên là loại bỏ các căn nguyên gây giảm HDL như hút thuốc lá, béo phì, lười tập thể dục, đái tháo đường không được khống chế, tăng TG máu, dùng chẹn bêta giao cảm kéo dài. Có thể dùng Niacin, Statin hoặc Gemfibrozil.

Nguồn tham khảo: Theo Bs. Huỳnh Hải Huy-https://www.dieutri.vn/thuchanhtimmach/roi-loan-chuyen-hoa-lipid-mau-tang-mo-mau

 

Các bài viết khác