Thực phẩm bổ sung cải thiện sức khỏe tim mạch không hiệu quả trong việc giảm cholesterol
SKĐS - Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, thực phẩm bổ sung được sử dụng rộng rãi để cải thiện sức khỏe tim mạch không có hiệu quả trong việc giảm cholesterol “xấu” bao gồm dầu cá, nghệ, tỏi, quế, gạo men đỏ.
1. Dầu cá, tỏi, quế, nghệ không hiệu quả để giảm cholesterol
Theo kết quả khoa học mới nhất, chất bổ sung chế độ ăn uống được sử dụng rộng rãi để cải thiện sức khỏe tim mạch không hiệu quả trong việc giảm LDL hoặc cholesterol "xấu" so với thuốc statin liều thấp thông thường.
Trong nghiên cứu, hiệu quả của thuốc statin liều thấp được so sánh với hiệu quả của các loại thực phẩm bổ sung thông thường trong việc giảm cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), được gọi là cholesterol xấu.
Có hai loại cholesterol: Cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) được gọi là cholesterol "tốt" vì bảo vệ tim. Ngược lại, hàm lượng lipoprotein mật độ thấp (LDL) cao - cholesterol "xấu"- cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao hơn vì nó hình thành các chất lắng đọng có thể làm hẹp và xơ cứng động mạch. Tăng cholesterol xấu là một vấn đề đang gia tăng trên toàn thế giới.
Trên toàn cầu vào năm 2020, có 4,51 triệu ca tử vong do cholesterol LDL cao, tăng 19% so với năm 2010, theo thống kê của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.
Trong nghiên cứu này, các nhà nkyhoa học đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 199 người trưởng thành trong độ tuổi từ 40-75 không có tiền sử bệnh tim mạch. Những người tham gia có chỉ số cholesterol LDL từ 70 mg/dL đến 189 mg/dL và có 5% - 20% nguy cơ phát triển bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch trong vòng 10 năm.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ định ngẫu nhiên những người tham gia vào một trong 8 nhóm để theo dõi bất kỳ thay đổi nào về cholesterol LDL và các dấu hiệu khác của bệnh tim từ ngày đầu tiên đến ngày 28 của nghiên cứu.
8 nhóm bao gồm những người dùng: Giả dược; 5 mg thuốc statin liều thấp (rosuvastatin); hoặc một trong 6 loại thực phẩm bổ sung, bao gồm dầu cá, tỏi, quế, nghệ, men gạo đỏ, sterol thực vật.
Các nhà nghiên cứu phát hiện:
- Mức giảm cholesterol LDL trung bình sau 28 ngày là 37,9% ở những người tham gia dùng thuốc statin, trong khi những thay đổi về mức cholesterol LDL ở những người dùng chất bổ sung chỉ tương đương với những người ở nhóm giả dược.
- Những người trong nhóm dùng thuốc statin đã giảm trung bình 24% tổng lượng cholesterol, đây là mức giảm đáng kể hơn so với nhóm dùng giả dược hoặc bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào.
- So với giả dược, tỏi làm tăng đáng kể cholesterol LDL.
- Thuốc statin giảm 19% chất béo trung tính trong máu. So với giả dược và chất bổ sung không có sự khác biệt về hàm lượng chất béo trung tính.
- Không có can thiệp nào trong nghiên cứu ảnh hưởng đáng kể đến các dấu hiệu viêm trong máu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn trong suốt 28 ngày của nghiên cứu.
- Mặc dù có những nghiên cứu trước đây chứng minh rằng gạo men đỏ và chất bổ sung sterol thực vật có thể làm giảm cholesterol LDL, nhưng những phát hiện trong nghiên cứu, cho thấy chúng không tạo ra sự giảm cholesterol ổn định.
2. Sống lành mạnh, hoạt động thể chất nên là lựa chọn điều trị đầu tiên
Nghiên cứu này gửi một thông điệp quan trọng về sức khỏe cộng đồng rằng các chất bổ sung chế độ ăn uống thường được dùng cho "sức khỏe cholesterol" hoặc "sức khỏe tim mạch" không có khả năng mang lại tác động có ý nghĩa đối với việc hạ cholesterol.
Kết quả cũng chỉ ra rằng statin liều thấp mang lại những tác dụng có lợi quan trọng đối với hàm lượng cholesterol của một người.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ nhấn mạnh, lối sống lành mạnh là quan trọng nhất đối với sức khoẻ tim mạch và khuyến nghị mọi người không nên chỉ dựa vào chất bổ sung mà nên dựa vào cách ăn uống điều độ nhiều loại thực phẩm. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất là lựa chọn điều trị đầu tiên tối ưu cho người lớn có huyết áp và cholesterol trong máu tăng từ nhẹ đến trung bình, những người có nguy cơ mắc bệnh tim.
Một hạn chế của nghiên cứu là thời gian chỉ kéo dài 28 ngày, đủ dài để chứng minh việc giảm cholesterol LDL bằng thuốc statin. Tuy nhiên, vẫn chưa biết liệu một số chất bổ sung có thể cần thời gian lâu hơn để có bất kỳ tác dụng nào đối với cholesterol hay không.
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn